Nếu bạn đang là chủ thương hiệu thì bạn nên đọc bài viết này. Nó được viết bởi một người tưởng mình là nhà văn và cũng đang là khách hàng thân thiết mua hàng của rất nhiều lĩnh vực khác nhau..
Đúng rồi, đó là tôi..người hay làm phiền bạn bởi những câu từ dài lê thê như một bản tình ca không hồi kết vậy.
Này, bạn có biết bây giờ một sản phẩm có cả 1000 người bán khác nhau không? Và bạn có giật mình nếu nhận ra rằng hoá ra bạn cũng chỉ quanh đi quẩn lại một vài cửa hàng nhất định để mua sản phẩm nào đó không?
Ví dụ: quán ăn quen thuộc, quán nước quen thuộc, nơi mua quần áo quen thuộc, v…v
Nếu mà hỏi tại sao thì bạn có thể trả lời rằng: Vì cửa hàng ngay gần nhà nên tiện thì mua, hoặc là vì thấy nhân viên dễ gần thì mua, hoặc vì hợp gu nên mua,v..v
Đa phần đều vậy. Một sản phẩm có nhiều người bán thì lý do họ mua hàng của bạn nó lại nằm ngoài những cái ghi trên nhãn sản phẩm. Chả ai quan tâm tới thành phần bên trong là cái gì, hay việc bạn nhập hàng khó khăn trong thời buổi dịch thế này ra sao.
Chúng ta đều là khách hàng. Và khách hàng thì luôn có sự ích kỷ cá nhân.
Ta luôn cần mọi thứ xoay quanh mình, muốn lợi ích cho riêng mình, và được cá nhân hoá mọi thứ thì càng tốt. Điều này luôn diễn ra ở mọi lúc mọi nơi. Vì khách hàng có quyền mà, nên họ luôn đúng.
Để ý mà xem, hồi nhỏ bạn đi mua xôi của bác bán hàng rong quen thuộc nơi góc đường, bác ấy nhớ tên bạn, học ở đâu, thậm chí món bạn ăn là gì, rồi thỉnh thoảng bonus thêm miếng thịt miếng chả nữa. Bạn có vui không?
Hay bạn sẽ chọn đi vào một quán ăn đông nghẹt chỉ để tận hưởng cảm giác là vào quán, ăn bát xôi bình thường, xin thêm thịt ăn cho hết xôi thì người ta cáu, hay cho thêm miếng giấy ăn người ta cũng làu bàu?
Xem ra câu chuyện không phải ở bán xôi nữa phải không? Nó nằm ở cảm xúc khách hàng.
Cuộc chơi bán hàng là cuộc chơi về cảm xúc. Và người chiến thắng thường là người nhìn thấy điều này sớm hơn đối thủ mà thôi.
Nếu bạn coi niềm vui của khách hàng là thứ để bạn phục vụ thì bạn sẽ để ý được nhiều thứ hơn rất nhiều. Đó sẽ là cách để bạn trở nên khác biệt hoá với người khác bằng danh tiếng cá nhân, thay vì ra sức chạy quảng cáo và cầu nguyện cho hôm nay có đơn. Tất nhiên cách của tôi đang nói không phải tất cả, nhưng đó là điều duy nhất bạn có thể làm ngay lúc này hơn là học 1000 các bài học lý thuyết sách vở về branding để rồi chả ứng dụng vào được ngay.
Về công việc tôi đang làm là dạy các chủ thương hiệu cách để hình ảnh brand của họ trở nên thực sự đáng nhớ ứng với tính cá nhân người chủ thương hiệu ấy. Nó cũng là cách để tác động tới cảm xúc khách hàng thông thường, chả có gì là bí mật cả.
Nếu bạn tôn vinh các điểm chạm mà thương hiệu chạm tới khách hàng và tạo ra cảm xúc bất kỳ từ nó, bạn sẽ xứng đáng có một chiếc ghế ngồi trong rạp chiếu phim mang tên “ Tâm Trí Khách Hàng”. Vì ở cái thời buổi thông tin tràn lan như thế này, chiếc ghế đấy sẽ thực sự quý giá vì khách hàng sẽ rất lựa chọn việc đưa ai đó vào bộ nhớ của họ.
Chỉ dành cho những người đặc biệt mà thôi.
Vậy đấy. Không có bí mật, cũng không cần lý thuyết định nghĩa nào. Tôi coi cuộc chơi đơn giản là như vậy. Nhìn rộng ra hơn thì ta cần phải học cách biết ơn và hạnh phúc với những gì đang có nữa thì mới tạo cảm xúc được, nhưng xin dành chia sẻ ở bài viết sau vì những con chữ lại chơi trốn tìm với người viết content như tiểu thuyết này rồi...
À quan trọng nhất, đừng tin vào lời tôi nói, hãy thật sự trải nghiệm nó ở trên thương hiệu của bạn. Vì kiến thức có hay tới đâu mà không hành động cũng chỉ là hũ bột lâu ngày để vào góc tủ và tự nhủ sẽ có lúc mình cần tới mà thôi.
Tất nhiên, chả bao giờ dùng tới, và cuộc sống chả có gì thay đổi cả.
Hãy hành động đi, và tôi sẽ ở đây đợi tin nhắn chiến thắng từ bạn.
Good luck guys
Việt Nguyễn!
Yorumlar