top of page

Giá Trị Một Thương Hiệu Đắt Tiền

Updated: Nov 14, 2023


“ Chỗ này trông đắt tiền nhỉ?”

“ Giá bên này chắc cao lắm”

“ Quán này nhìn là biết đồ ăn đắt rồi “

..


Đã bao giờ bạn được nghe vài nhận định như thế và tự đặt câu hỏi, điều gì đã khiến người ta phải nói những câu như vậy chưa?


Gần đây tôi hay nói về những thương hiệu sản phẩm và dịch vụ đắt tiền, phần vì tôi thấy tôi hợp cảm nhận những điều đó hơn, phần vì tôi thấy người quen xung quanh cũng tình cờ đang bán những thứ “ ngút trời” như vậy. Có lẽ vì được làm một thương hiệu cao cấp đắt tiền sẽ vui hơn là làm những thứ bình thường, nó khó hơn và khiến tự thân ta phải cẩn thận và làm mọi thứ trở nên hoàn hảo hơn.


Khó nhất là phải làm mọi thứ xung quanh thương hiệu có giá trị tương đương với mức giá đang bán. Từ sản phẩm, dịch vụ, cách show ra trên truyền thông,.. Làm thế nào để làm đủ đầu việc nhưng lại phải xuất sắc hơn những bên thông thường?


Quay trở lại câu chuyện trên, việc khách hàng nhìn vào một điểm chạm thương hiệu bất kỳ mà tự dưng họ cảm nhận thấy sự đắt tiền, điều này thì ai cũng muốn nhưng lại rất ít người làm được. Thông thường mọi người đều nghĩ bán sản phẩm đắt tiền thì cứ đăng lên ai có nhu cầu thì mua, nhưng bản thân những gì bạn phát ra bên ngoài không tạo cảm giác tin tưởng và cảm giác đắt tiền, liệu rằng họ sẽ nghĩ đó là sản phẩm cao cấp không đây.


Một viên kim cương không thể được bày bán trên vỉa hè.

Ngay cả khi nó là thật thì cũng chẳng ai tin cả.


Tôi có một bài test thế này dành cho bạn, hãy thử tìm kiếm chữ “ túi hiệu” ở bất kỳ đâu, rồi bạn sẽ nhận được một đống kết quả như “ túi hiệu cao cấp”,“ túi hiệu xách tay từ bên A B C”, rồi “ túi hiệu cam kết chính hãng” ….


Cứ thoải mái xem rồi tự nhận định xem, bên nào cho bạn cảm giác đắt tiền thực sự, dù là sản phẩm đã đắt tiền sẵn rồi?


Cái khó của sản phẩm rẻ tiền là không biết nâng cấp sản phẩm kiểu gì để lên được cao cấp.

Cái khó của sản phẩm cao cấp lại là không biết làm thế nào show ra bên ngoài những thứ giá trị tương xứng với sự cao cấp ấy.


Khách hàng chỉ mua khi GIÁ TRỊ > GIÁ BÁN. Bất kỳ thương hiệu nào không tạo ra những giá trị giúp họ cảm nhận được nó sẽ tương đương hoặc cao hơn với mức giá đang bán, khách hàng sẽ bỏ đi.


Bán hàng đắt tiền sẽ cần một cách truyền thông khác, không chỉ là chạy quảng cáo thông thường. Để tạo được cảm giác đắt tiền cho thương hiệu, nó không thuần tuý là một cái logo màu vàng ánh kim, rồi đắp thêm vài cái túi hiệu bao quanh sản phẩm dịch vụ, hoặc là diện một chiếc váy hoặc một bộ vest thật đắt tiền.


Điều mà rất nhiều người đều nghĩ thế. Thực tế nó đều là các yếu tố “ ngọn cây” ở bên ngoài, còn yếu tố bên trong là gì, cái gốc rễ của một thương hiệu đắt tiền nên làm là gì, hầu như không ai tìm hiểu về nó cả.


Để tôi nói sơ qua cho bạn vài thứ sau quá trình tìm hiểu của mình, nói qua thôi, lúc nào tôi sẽ viết hẳn một bài cho nó sau.


Bất kỳ sản phẩm nào cũng có 3 loại giá trị: Giá trị sử dụng, giá trị trao đổi, giá trị lao động.


Giá trị sử dụng là thứ kết nối sản phẩm với công dụng của nó.


Như một bát phở giá trị sử dụng là ăn no, giá của nó là 30.000 VNĐ.


Tuy nhiên đối với các sản phẩm rất đắt tiền tới mức phi thực tế, giá trị này hầu như không được đề cập tới.


Đối với các sản phẩm dịch vụ mang trong mình sự xa hoa, nó đã báo hiệu rằng người mua đã vượt qua sự rằng buộc thường ngày của cuộc sống, họ đã và đang bước chân vào thế giới đặc quyền nơi thẩm mỹ, sự khoái lạc, truyền thống văn hoá được lên ngôi


Túi hiệu đắt tiền không phải là sản phẩm tốt hơn túi bình thường ở ngoài hội chợ mà đơn giản là nó chẳng liên quan gì tới điều đó cả.


Chúng không thể so sánh với nhau, nhất là trên sự so sánh tầm thường về công dụng, hạ thấp mọi sản phẩm xuống tầm chức năng sử dụng của chúng.


Sự xa xỉ là khác biệt, là biểu hiện của khoảng cách.


GIá trị trao đổi là thứ giúp ta suy ra mức độ cao cấp từ mức giá thành. Cái này đơn giản là sản phẩm dịch vụ nào có giá cao hơn thì người ta nghĩ nó giá trị hơn.


Một bát phở 30.000 VNĐ thì bình thường. Nhưng một bát phở nào đó 500.000 VNĐ thì nó lại khiến người mua phải suy nghĩ về giá trị mà nó mang thêm.


Giá trị lao động, đây là thứ không bận tâm đến khách hàng hay nhu cầu của họ ( giá trị sử dụng), ta sẽ không giới thiệu một chiếc xe Ferrari dựa trên khả năng chuyên chở khách mà dựa vào hiện thân của một bí quyết được kế tục, là dấu hiệu của truyền thống văn hoá sản phẩm mà khách hàng có thể khám phá và chia sẻ. Nó là một loại giá trị không tuỳ thuộc vào khách hàng, mà tồn tại trước cả khách hàng.


Tất nhiên không phải thương hiệu nào cũng lâu đời tới mức có truyền thống văn hoá như vậy. Bạn có thể dựa vào những truyền thống lịch sử sẵn có, xây thương hiệu dựa vào những giá trị lâu đời từ ngày xưa từ bất kỳ đất nước nào mà bạn muốn.


Để bán được một sản phẩm dịch vụ vượt qua giá trị sử dụng thật của nó, điều này cần tới cách tiếp cận rất điêu luyện. Ta cần biến mọi giá trị trở nên phi thường, tăng hoặc giảm được giá trị sử dụng theo ý muốn, thậm chí tinh tế tới mức còn làm nó biến mất và chỉ còn lại giá trị trao đổi và giá trị lao động.


Chỉ những người thuần thục mới để ý tới ý nghĩa ẩn sâu nằm sau những chiến dịch truyền thông cho thương hiệu đắt tiền của mình. Bởi mọi câu chuyện và hình ảnh đưa ra ngoài cần tạo ra được một mẫu người xa hoa cho thương hiệu, nó cần tạo được sự khao khát có được sản phẩm của khách hàng,


Ta phải khiến họ muốn được đại diện cho một đời sống cao cấp, một hình ảnh hiện thân đại diện cho thương hiệu. Phải làm mọi thứ làm sao để họ có hiểu đúng giá trị không thể so sánh của vật phẩm, có được sự tự hào khi được ở một tầng lớp mà ít ai sánh bằng.


Bán hàng đắt tiền là cả một câu chuyện dài hơi.


Nếu ai đang ở trong hành trình xây dựng thương hiệu có sản phẩm hoặc dịch vụ đắt tiền, dần dần bạn sẽ thấy vài hình ảnh chụp túi hiệu hay là bộ nhận diện thương hiệu nó chỉ là một dấu chân trên bãi cát trải dài.


Một phần quá nhỏ trong cả một hành trình làm thương hiệu có sản phẩm dịch vụ mang giá trị cao.


Những gì tôi đang làm cho các thương hiệu ngoài kia, nó là một mảnh ghép về yếu tố thẩm mỹ và chiều sâu để gia tăng giá trị trao đổi và giá trị lao động cho thương hiệu. Nó không phải tất cả, vì quả thực sẽ có rất nhiều thứ bên trong doanh nghiệp cần phải làm để tạo ra một brand đúng nghĩa là đắt tiền.

Như trò chơi lắp ghép lego hồi nhỏ, và tôi tự hào là một mảnh ghép lớn để xây nên một tòa lâu đài tráng lệ.


Thôi viết hơi dài, nếu như bạn rút ra được điều gì sau bài viết này thì hãy chia sẻ cho tôi với nhé. Ngoài ra, nếu như muốn nghe thêm về chủ đề điều gì, hãy cứ thoải mái để lại bình luận ở bên dưới.


Tôi là một người giỏi lắng nghe :”)


Việt Nguyễn.


56 views

Comentarios


bottom of page