top of page

Hình Ảnh Tạo Ra Doanh Thu Kiểu Gì?


Xung quanh tôi có rất nhiều người bạn làm trong lĩnh vực liên quan tới hình ảnh này, người thì làm photo, người làm thiết kế nội thất, người làm stylist, người làm chủ shop,... Và khi tôi hỏi làm thế nào để chứng minh rằng hình ảnh sẽ tạo ra con số doanh thu thực tế, tất cả đều lắc đầu ngao ngán không tài nào giải thích được.


Việc của họ là take care một bộ ảnh hay tạo ra những món đồ thật đẹp, thật chuyên nghiệp. Nhưng bảo hình dung sự tác động trực tiếp của nó tới doanh thu thì hầu hết rất mù mờ.


Câu hỏi này cũng khiến tôi đau đầu một thời gian, vì bản thân là người dạy về hình ảnh thương hiệu, hơn ai hết tôi cũng thèm khát tìm được một câu trả lời xác đáng để chứng minh công việc mình làm nó có ý nghĩa chứ không phải vẽ hươu vẽ vượn vì sở thích cá nhân của mình.


Thế là tôi cứ vừa dạy vừa mải mê tìm kiếm câu trả lời trong chính mê cung do mình tạo ra.


Liệu có tồn tại một bức ảnh tạo ra doanh thu? Nếu có thì yếu tố nào tạo ra nó? Do màu sắc, ánh sáng, hay do người chụp. Có phải lĩnh vực nào cũng cần tới hình ảnh không? Rồi phải tạo bao nhiêu bộ ảnh thì nó mới tạo ra doanh thu….


Chậc.. Những thứ vô hình thật khó để đong đếm. Một mớ bòng bong. Tôi cứ vật vờ cả năm trời.


Mãi cho tới thời gian gần đây, vào cái giờ phút mà tôi chán nản đến mức muốn bỏ cả sự nghiệp của mình, tôi mới nhận được câu trả lời. Ngạc nhiên hơn, lời giải đáp tới từ những chủ thương hiệu mà tôi đã từng dạy trước đây, họ bỗng gửi cho tôi những tin nhắn về việc khi áp dụng công thức hình ảnh của tôi vào thì doanh thu đã tăng lên như thế nào sau một thời gian.


Khi đó tôi mới sởn hết cả gai ốc, tôi nhận ra bản thân mình đã tình cờ tạo ra câu trả lời từ bao lâu rồi mà tôi không hay biết. Tôi phải lật tung hết toàn bộ giáo trình của mình lên để tìm ra cái “Key Step” khiến cho những thương hiệu ấy tạo ra chiến thắng là gì.

Và….. tôi đã tìm được. Tôi thấy mình giống như cậu bé chăn cừu trong truyện “ Nhà Giả Kim”, kho báu mà cậu tìm kiếm cuối cùng lại nằm ở vạch xuất phát nơi cậu đã bắt đầu hành trình của mình.


Để tôi kể cho bạn một vài kết luận ngắn gọn sau chuyến đi “khảo cổ” của mình. Tất cả những điều tôi sắp chia sẻ dưới đây đều dựa theo các câu chuyện thực tế mà tôi chứng kiến sau khi dạy về hình ảnh thương hiệu cho nhiều brand ở các lĩnh vực khác nhau.


1. Hình ảnh thương hiệu KHÔNG GIÚP BẠN TẠO RA DOANH THU nếu như bạn là người mới, chưa có fanpage, chưa triển khai bất kỳ bộ ảnh nào.


Đây là thực tế tôi nhận ra sau khi dạy các chủ thương hiệu mới, hầu hết họ đang dùng chương trình của tôi như một cách “ bồi bổ kiến thức, học để biết”. Việc học như vậy rất khó để tạo ra kết quả, vì không ai biết bơi nếu như không chịu xuống nước mà chỉ học lý thuyết thuần tuý cả.


Khi bạn là người quá mới, hình ảnh thương hiệu KHÔNG PHẢI LÀ THỨ BẮT BUỘC phải có vào ban đầu, nó chỉ là thứ CẦN THIẾT mà thôi. Giống như đang ở sa mạc, nước là thứ bạn BẮT BUỘC phải có, còn đồ ăn chỉ là CẦN THIẾT.


Bạn không vcần phải có hình ảnh thương hiệu quá mạnh ngay từ đầu trừ phi bạn là một người có rất nhiều vốn để đầu tư hoặc đang làm sản phẩm dịch vụ đắt tiền. Bạn sẽ cần để ý tới những con số kinh doanh, đội ngũ, chiến lược ( NƯỚC ) trước khi bạn cần tới hình ảnh thương hiệu ( ĐỒ ĂN )


2. Hình ảnh thương hiệu KHÔNG TẠO RA DOANH THU NGAY LẬP TỨC.


Hình ảnh thương hiệu chỉ phù hợp với những bên nào“ cần tạo doanh số trong dài hạn” chứ không hợp với những bên “ cần phương thức đẩy mạnh doanh số ngắn hạn”.


Nó là thứ chạy về lâu dài giống như việc bạn đi tập để được 6 múi vậy. Bạn cần thời gian và sự kiên nhẫn để luyện tập theo một nhịp độ nhất định, sau đó kết quả sẽ tới.


Hình ảnh thương hiệu sẽ cần độ kiên trì nhất định để thay đổi mọi thứ. Thời gian mà tôi tạo ra case study cho các thương hiệu trung bình là từ 1-3 tháng nếu như làm đúng như những gì tôi hướng dẫn.


Các trường hợp rất đặc biệt là trong vòng 1 buổi học, rồi 1 tuần là đã có case về doanh thu, đây là các case họ đã có brand khá lớn và chỉ cần nhích một chút sự thay đổi là dòng chảy doanh thu cũng thay đổi. Còn lại đa phần tôi thấy đều cần thời gian cả.


3. Hình ảnh thương hiệu là một phễu lọc và hút khách hàng một cách đồng thời dựa vào mức độ hình ảnh mà nó tạo ra. Nó có hiệu ứng làm giảm và tăng số lượng khách hàng cùng một lúc.


Bạn không thể bán kim cương trên vỉa hè, ngay cả khi nó là thật thì cũng không ai tin bạn cả. Một sản phẩm chất lượng thì khách hàng sẽ mặc định nghĩ nó phải có giao diện chất lượng. Bạn sẽ không mua một chiếc túi hàng hiệu vài chục triệu đồng nếu như nó đặt ở trên một trang web “trông hơi chợ” đâu phải không?


Đối với các thương hiệu bán hàng đắt tiền, hình ảnh tương đương giá trị sản phẩm là thứ rất ít người làm được. Ngay cả khi bạn có lợi thế về sản phẩm trông rất đẹp, dịch vụ rất sang trọng, nhân viên trông rất tuyệt vời, nhưng việc thể hiện được “cái đắt tiền” ấy ra ngoài lại càng khiến bạn trở nên đau đầu vì không thể định nghĩa được “ tầm vóc” của nó ra bằng hình ảnh..


Thật tệ là giờ khách hàng toàn nhìn ảnh trước khi tới cửa hàng xem..


Bởi vậy đôi khi bạn cũng không thể tiếp cận được tệp khách hàng đắt tiền chỉ vì bạn không cùng góc nhìn “ đắt tiền” giống như họ. Đây là tôi đang nói về những sản phẩm mà cả người bán lẫn người mua đều trân trọng giá trị vẻ ngoài của một sản phẩm.


Trong trường hợp này, bạn chỉ tăng được doanh thu nhờ hình ảnh nếu như tệp khách hàng đó có cảm nhận cái đẹp tốt, và bạn cũng tạo ra được hình ảnh ở level tương đương với họ.


Trường hợp như không tạo ra doanh thu, thậm chí bị giảm doanh thu sau khi thay đổi hình ảnh thương hiệu, hoặc là vì hình ảnh thương hiệu đã lên một tầng khác và nó sẽ cần thời gian để hút tệp khách hàng cao hơn tương ứng, hoặc là hình ảnh thương hiệu là thứ mà khách hàng của bạn không quan tâm. Đây là trường hợp rất hãn hữu thuộc về các thương hiệu có tệp khách khá lớn tuổi và họ chỉ quan tâm tới tính năng sản phẩm thông thường.


4. Hình ảnh thương hiệu không phải là những tấm ảnh. Nó là hình tượng của một con người


Đây là một kết luận khiến đầu tôi nổ tung sau khi nhận ra….


Bạn đã từng nghe thấy mấy câu nói như “ Nó suốt ngày đi muộn” chưa?

Hay là “ Nó ăn bao nhiêu cũng không béo”

Hay là “ Cái đứa này mặc cái gì cũng đẹp” ?


Tất cả chúng đều là hình ảnh thương hiệu. Nó là một cái từ gì đó mà khán giả nói về bạn, tự dưng nhớ tới bạn là nhớ tới cái từ ấy. Những bức ảnh chỉ là thứ đi song hành để miêu tả những từ ngữ ấy mà thôi.


Như tôi thì “ Việt đẹp trai” ( mong là họ nói như thế ) hoặc là “ thằng Việt khó tính lắm” ( câu này thì phổ biến hơn )


Để tôi ví dụ thêm thế này cho bạn dễ hiểu, bố tôi luôn được mọi người nhắc tới là “ Bác Trúc bác ấy buồn cười lắm”, còn mẹ tôi đi đâu cũng hay được mọi người nói là “ Bác Dương quán xuyến lắm cái gì cũng biết làm”


Bố mẹ tôi ăn mặc rất giản dị, dù là ngày trước hay bây giờ. Vậy thử hỏi “ hình ảnh thương hiệu” của họ ở đâu ra? Hồi đó thì làm gì có cái chuyện cầm máy ảnh chụp post lên mạng bao giờ.


Câu trả lời.. nó là từ cách bố mẹ tôi sống hằng ngày, cách họ đối nhân xử thế, cách họ luôn xuất hiện trước mọi người với tính cách họ vốn là.


Dịch ra ngôn ngữ của thương hiệu, nó cũng là cách mà thương hiệu “ sống”, cách thương hiệu “ thở”, cách thương hiệu “ đối nhân xử thế” . Chúng được gây dựng theo thời gian, và thời gian là thứ tạo nên hình ảnh thương hiệu, chứ không phải con người chúng ta.


Kết luận lại, hình ảnh thương hiệu tạo ra doanh thu kiểu gì? Nó sẽ tạo ra được từ các yếu tố:

  • Thời gian ( 1-3 tháng )

  • Tệp khách hàng ( có gu )

  • Chủ thương hiệu ( đã kinh doanh trên 3 năm, có đội ngũ triển khai, có gu tương đương hoặc cao hơn tệp khách hàng )


Và một thứ quan trọng không thể thiếu, đó là chuỗi công thức hình ảnh độc nhất mà tôi đã tạo ra. Khi đó mảnh ghép mới trở nên hoàn chỉnh.


Bởi lẽ đó, đây cũng là các tiêu chí của tệp khách hàng mà tôi đang làm việc cũng như mong muốn làm việc cùng. Vì tôi biết chắc nó sẽ hiệu quả dựa theo những gì tôi đã từng triển khai cho một số thương hiệu khác có cùng tiêu chí trên.


Xin lưu ý rằng tôi không nói đây là cách duy nhất để tăng được doanh thu dựa vào hình ảnh thương hiệu. Giống như việc sẽ có rất nhiều cách để đi từ nhà tới Hồ Gươm, con đường tôi tìm ra chỉ là một con đường mà thôi. Nếu như bạn có cách riêng của mình, hãy cứ thoải mái đi trên con đường mà bạn chọn.


Bài viết phân tích hôm nay rất dài. Tôi rất vui nếu bạn đã đọc được đến dòng này. Nếu đã ở đây rồi thì hãy chia sẻ cho tôi biết cảm nhận của bạn ở phần bình luận bên dưới với nhé.


Đừng quên chia sẻ nếu bạn thấy thú vị :”)


Việt Nguyễn.

Người hay viết văn nhưng tình cờ dạy về hình ảnh thương hiệu.


P.S. Nếu như bạn muốn nghe thêm về điều gì, hãy cứ inbox cho tôi hoặc bình luận ở bên dưới, tôi sẽ phản hồi lại bạn sớm thôi.


18 views

Comments


bottom of page