top of page

Hình Ảnh Thương Hiệu Bao Gồm Những Cái gì?




Một định nghĩa rất mù mờ, là người trong ngành mà đôi khi tôi còn nhầm lẫn giữa vài cái khái niệm. Trước đây tôi nghĩ chỉ hình ảnh thương hiệu chỉ là vài ba cái ảnh design là xong chuyện, thế nhưng khi thực sự làm chủ, hiểu được câu chuyện kinh doanh dựa trên cảm xúc khách hàng, tôi nhận ra hình ảnh thương hiệu là một chân trời hoàn toàn khác.


Tôi sẽ vào việc luôn vì tôi muốn bài viết của mình được ngắn gọn. Để tôi chia thế này cho bạn dễ hiểu:


Brand Design, cách bạn nhìn thương hiệu của bạn, bao gồm : Logo, tone màu, typo, phong cách design, v..v 


Brand Image, cách khách hàng nhìn thương hiệu của bạn, bao gồm: Cảm xúc, sự tin tưởng, sự ấn tượng mà họ nhận thức được về thương hiệu.


Thông thường những việc chúng ta làm là chạm tới Brand Design. Chụp ảnh, làm poster, làm bộ nhận diện thương hiệu, … Chúng thuần tuý là cách chúng ta tạo dựng cho thương hiệu của mình. 


Cái hay là ta được kiểm soát 100% công việc, nhưng nhược điểm duy nhất là tự làm thì dễ tự khen, một người chỉ hát ở trong phòng tắm mà không cất giọng ra ngoài để người khác cảm nhận thì cũng chả biết là giọng ca mình thực tế như thế nào.


Vậy nên làm hình ảnh bên ngoài không có ý nghĩa nếu như chúng ta không đo lường cách mà khách hàng đón nhận ở ngoài kia sẽ như thế nào.


Bởi vậy, với tôi thì tôi hay suy nghĩ việc làm Brand Image trước, từ đó mới tạo ra Brand Design. Tôi làm cho mình hay tôi dạy cho chủ thương hiệu khác, tất cả đều cùng một con đường cả.


Để tác động tới Brand Image, tôi luôn đặt yếu tố cảm xúc của khách hàng lên trên đầu. Bất cứ hành động nào tiếp theo tôi đều suy nghĩ về việc họ cảm thấy như thế nào, mình muốn tác động lên cảm xúc gì của họ.


Bật mí cho bạn tất cả các bài post của tôi dù là chạy quảng cáo hay không, content và hình ảnh đều được tính toán. Tôi không biết bạn là ai, người đang đọc tới những dòng này, nhưng tôi tin rằng bạn đang cảm nhận được điều gì đấy về tôi. 


Không thuần tuý là một cái máy gõ chữ biết mặc vest đâu đúng không..


( Nếu bạn không cảm thấy gì thì có lẽ tôi đã tạo dựng Brand Image thất bại rồi, ôi viễn cảnh thật tệ.. ) 


Có một điều gì đó bạn đang nhìn nhận về tôi, đó chính là Brand Image, và tôi thường chủ động tạo ra những cảm xúc này khi bạn thấy thương hiệu của tôi. 


Tất nhiên tôi không phải phù thuỷ mà đòi kiểm soát cách người ta nhìn nhận về mình tuyệt đối được, tôi tự nhận Brand Image của tôi có tầm 70% tôi kiểm soát được, còn lại tôi phó mặc cho vũ trụ để mọi thứ thuận theo tự nhiên.


À viết đến đây tôi phải đính chính một chút. 


Tôi là người không thích nói lý thuyết, càng không thích học lý thuyết. Những điều tôi làm là trải nghiệm thực tế tôi đã làm cho mình sau đó dạy cho các chủ thương hiệu khác. 


Nó thành công với với chúng tôi, và tôi đang chia sẻ cách mà chúng tôi đi trên con đường ấy.


Mỗi người có một định nghĩa khác nhau, góc nhìn khác nhau, một bài toán nào cũng có nhiều cách giải. Ở đây tôi thuần tuý chia sẻ góc nhìn của mình không phải để dạy dỗ cho một ai, và cũng không muốn mất công đôi co về kiến thức A B khi lỡ bài viết này đụng tới chuyên môn của một ai đấy. 


Bạn có thể lắng nghe hoặc không. Đây không phải bài training gì, thuần tuý chia sẻ mà thôi.


Quay trở lại bài viết, thử nghĩ xem nếu như bạn có thể tác động tới Brand Image - cảm xúc và góc nhìn của khách hàng về mình, bạn sẽ làm được bao nhiêu thứ cơ chứ? 


Có khác gì thôi miên đâu.. Và thực tế thì chúng ta đều đang bị thôi miên cả, đều bị dẫn lối hành vi theo chiều hướng của một thương hiệu nào đó khác. 


Giống như lên Shopee sẽ có người mua hàng rất nhiều trong phút chốc, đôi khi mấy món hàng này còn chả sử dụng bao giờ mà họ vẫn mua. Hay giống như cách mà rất nhiều thương hiệu lớn đang sử dụng người nổi tiếng để lan tỏa thông điệp của họ. Đó là một dạng lái cảm xúc người mua theo định hướng của thương hiệu.


Brand Image, có người thì để nó tự trôi theo tâm thế khách hàng, còn có người sẽ cố gắng thuần hoá nó, trở thành người kiểm soát hầu hết hành vi của nó ( giống như tôi chẳng hạn) 


Tôi hay viết là hầu hết mọi người sẽ không cần hình ảnh thương hiệu đâu. Bởi với một thương hiệu mới sinh, cái họ cần làm những chiến lược mục tiêu liên quan tới những con số. Bạn thường chỉ tác động được tới Brand Image khi bạn có đội ngũ, có nguồn lực về tiền bạc để bắt đầu lấn sang sang cuộc chơi này.


Ai cũng chạy theo những con số kinh doanh. Đó là đường thẳng.


Khi nào đủ số để sinh tồn thì mới bắt đầu chạy theo đường cong. Đó là cuộc chơi mang tính “ con người” rất cao, và bản thân tôi thì thích cuộc chơi này hơn vì tôi được nghiên cứu cả tâm lý học hành vi của con người. Giúp ích rất nhiều cho cuộc sống cá nhân luôn đấy, khi nào rảnh tôi sẽ chia sẻ cho bạn sau.


Brand Image là thứ không quá cần thiết với sản phẩm giá trung bình thấp, nhưng nó là thứ bắt buộc có với sản phẩm bán hàng đắt tiền. Cuộc chơi sản phẩm đắt tiền nó là một level khác, nơi những cái đẹp của thế giới xa hoa bất đầu được lên ngôi. Cảm xúc được gửi tới khách hàng không thuần tuý là sự hài lòng về sản phẩm mà cả về những trải nghiệm ở những điểm chạm khác nhau trong thương hiệu.


Không phải ngẫu nhiên Chanel, Dior lại đầu tư cho hình ảnh tới vậy.

Xem ra việc làm Branding Image hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào việc bạn có đang có sản phẩm có giá trung bình cao trong thị trường hay không. Ngoài ra có một câu hỏi bạn cần trả lời rõ hơn: “ Bạn có thấy bản thân chịu được áp lực khi phải làm nhiều việc hơn mà doanh thu không tăng lên, thậm chí lại giảm trong 3 tháng không?” 


( Làm Branding Image sẽ là một bộ lọc khách hàng, nó vừa thu hút và xua đuổi khách hàng đi cùng một lúc. Tất nhiên, xua đi sẽ nhanh hơn còn hút về sẽ chậm hơn. Đó là lý do bạn sẽ hứng chịu đợt tụt giảm doanh thu trong vài tháng đầu tiên khi thương hiệu đang dần làm lại hình ảnh. Tôi từng viết một bài về cái này rồi, bạn có thể tìm đọc lại nó ) 


Nếu bạn trả lời “ Có’ cho hai câu hỏi trên, bạn là người phù hợp để làm Branding Image.

Còn nếu bạn trả lời “ Không” cho câu nào đó, bạn sẽ không cần làm Branding cao lên làm gì cả. Nó sẽ bào mòn tâm trí cũng như tinh thần của bạn lắm đấy.


Đó là một lời thủ thỉ chân thành của tôi dành tặng cho bạn. Giờ tôi sẽ giúp mọi người bằng cách nói với họ điều gì không nên làm, hơn là nhắc họ phải làm gì. 


Cụ thể trong trường hợp này, tôi sẽ ngăn cản bạn làm nhiều thứ để tránh tốn thời gian của bạn. Đó là việc tiến tới tôi để kiếm tìm giải pháp về hình ảnh.


Thôi viết vài dòng thế đã, hôm nào tôi kể tiếp sau.

Bạn thấy bài viết lần này của tôi như thế nào, chia sẻ lại cho tôi với nhé, ở bình luận hoặc inbox riêng đều ổn với tôi.


P.S. À hãy cho tôi biết cảm nhận của bạn về tôi với nhé. Hãy giúp tôi được cải thiện bản thân với nào :”)

19 views

Comments


bottom of page