top of page

Khi Khách Hàng Đặt Thương Hiệu Của Bạn Lên Bàn Cân





Họ sẽ bắt đầu so sánh giá, đó là cái đơn giản nhất trong hầu hết các lĩnh vực. Những con số giảm giá to đùng, càng to bao nhiêu thì đám đông càng phát cuồng bấy nhiêu. Đa phần đám đông sẽ hành xử như vậy, nhưng liệu có tồn tại những người đứng ngoài đám đông này? Nếu có thì điều gì sẽ chi phối hành động của họ?


Nếu như bạn đang nghĩ rằng đó là “ chất lượng sản phẩm”, “ dịch vụ chuyên nghiệp..” thì bạn đã lầm. Những từ ngữ như vậy xuất hiện khắp mọi nơi, nhiều tới mức nó như một tiếng ồn ào mà chả ai thèm quan tâm nữa. 


Một sự thừa thãi.


Bạn không thể tự làm đạo diễn một bộ phim rồi vỗ ngực tự khen hay được.


Tự nói mình dịch vụ tốt sẽ không có nhiều ý nghĩa bằng việc người khác khen bạn về một trải nghiệm tuyệt vời mà họ mới có được. Hay đơn giản hơn, việc tự khen bản thân mình xinh đẹp đâu thú vị bằng việc người khác khen đâu phải không?


( Được rồi tôi cũng hay tự luyến sự đẹp trai của mình dù đám đông không bằng lòng cho lắm … )


Đối với sản phẩm giá rẻ hoặc trung bình, những con số là mà khách hàng sẽ cân đo đong đếm. Với mức giá như vậy thì service sẽ ở mức trao đổi thông thường đôi khi cũng đủ rồi, không cần phải đầu tư quá nhiều. Khách hàng ai cũng có tâm lý phải được chăm sóc tận tình chu đáo, nhưng với mức đầu tư ít thì họ cũng không thể mong đợi hơn được nữa. Một suất cơm 50k, hay có lên tới 100k, cũng không thể mong đợi nhà hàng sẽ gửi email cảm ơn hoặc thiệp mời private được.


Sự bằng lòng sẽ có một ngưỡng giới hạn nào đó mà họ sẵn sàng chấp nhận.

Đối với sản phẩm giá trung bình cao, khách hàng sẽ bắt đầu đánh giá chất lượng kỹ càng hơn. Họ sẽ nhìn mọi thứ bạn đang show ra ngoài, từ hình ảnh tới ngôn từ. 


Những người khách hàng ở level này họ rất nhạy bén, cho dù là chọn thợ sửa ống nước hay chọn nơi cắt tóc gội đầu thì họ cũng muốn yên tâm rằng mình đã đặt niềm tin vào đúng người đúng chỗ. 


Họ cần thấy được niềm tin bên trong mình xuất hiện để thúc giục họ bấm vào cái nút mua hàng. 

Họ muốn làm chủ quyết định của mình và chỉ cần thông tin nào đó để “ tự chốt sale” bản thân. 

Họ sẽ tự tìm cách để định nghĩa “ sản phẩm chất lượng tốt” và tìm cách để hợp lý hoá “ giá tiền và chất lượng” mang lại từ thương hiệu.


Vậy câu hỏi là họ bám vào đâu?


Cuộc sống có vài giác quan để cảm nhận. Mắt để nhìn, tai để nghe, mũi để ngửi, miệng để phát ra lời hay ý đẹp. Khách hàng cũng là con người, và họ cũng chỉ có từng ấy giác quan mà thôi.


Mắt để nhìn- Nhìn gì? Nhìn vào bài post của thương hiệu, vào website của thương hiệu. Họ tò mò xem ai là người chủ thương hiệu này, rồi nhân viên trông thế nào, rồi dịch vụ này sử dụng trông thế nào, tôi có được happy khi ở đây không? Rồi liệu có ai giống tôi đã từng sử dụng sản phẩm dịch vụ ở đây chưa? Sự đắt tiền mà tôi tìm kiếm ở đâu, liệu thương hiệu trông như thế này thì có đúng là hàng đắt tiền và chất lượng không?


Bật mí cho bạn rằng, mắt là giác quan tạo ra trải nghiệm mạnh nhất cho khách hàng hiện tại, và họ mua hàng vì hình ảnh rất nhiều. Lo được về phần nhìn đắt tiền xem ra cũng thành công.


Tai để nghe- Nghe gì? Nghe tiếng nói phát từ thương hiệu, nó có thể là câu từ content, là cách nói chuyện, cách chia sẻ. Họ muốn được nghe lời hợp tai và cũng mong muốn tìm kiếm sự khác biệt trong lời kể. Họ ghét sự ồn ào thông dụng, họ cần được nghe những bản nhạc khác biệt phát ra từ đâu đó. 


Mũi để ngửi - Ngửi gì? Cái này về trải nghiệm khách hàng trực tiếp tại cửa hàng, chứ bảo lướt online để ngửi thì tôi phải đi học Harry Potter một khoá đã rồi sẽ kể lại cho bạn sau


Miệng để nói - Nói gì? Họ sẽ tự kể cho người khác nếu như họ thấy bạn trông khác lạ. Có bao giờ bạn có trải nghiệm chọn đồ ăn với bạn bè, tự nhiên có đứa nói “ Ê chỗ này trông ngon này “ chưa? Ai cũng muốn chia sẻ sự tốt đẹp với người thân và bạn bè xung quanh, vậy nên ta sẽ có thứ để họ truyền tai nhau.


Tác động theo chiến lược marketing, rồi phân tích kế hoạch này nọ, suy cho cùng vẫn là tác động vào cảm xúc khách hàng dựa theo các giác quan. Nếu như đặt tất cả thương hiệu lên bàn cân, nhất là các bên đắt tiền, họ sẽ để ý hành trình khách hàng và tác động nhiều giác quan nhất có thể


Cái tác động đầu tiên và cũng dễ thấy nhất, đó luôn là phần giao diện ngoài. Giống như việc ta muốn kết đôi với một ai đó thì trước đó cũng phải nhìn thấy nhau rồi bị thu hút bởi nhau chứ đúng không?


Càng bán hàng đắt tiền thì “ khuôn mặt thương hiệu” càng trở nên quan trọng. Vì sự đắt tiền giống như hũ mật ong, nó thu hút những kẻ thám hiểm tìm kiếm sự quyến rũ đắm chìm trong sự ngọt ngào đó. Thương hiệu cần phát ra được sự bí ẩn mê hoặc đủ để khiến những ánh mắt tò mò lấp ló ngoài kia phải khao khát có được sản phẩm. Cảm giác của sự chinh phục và được ở một tầng lớp khác luôn được tưởng thưởng cho những cô nàng đắp lên mình những món đồ xa xỉ mà bất cứ người phụ nữ nào đi qua cũng phải ném cho họ một ánh nhìn của sự ghen tị.


Tóm gọn lại, tuỳ vào mức giá sản phẩm của bạn đang bán thì cách làm hình ảnh thương hiệu sẽ khác nhau. Giá trung bình thấp thì hầu như ai cũng làm giống ai, bạn sẽ cần nhiều chiến lược hơn là tập trung vào giao diện ngoài. Đối với sản phẩm giá trung bình cao, đặc biệt là khi giá rất cao, giao diện bên ngoài là cái trước sau gì cũng buộc phải chú ý tới.


Nó giúp bạn loại bỏ những người không có khả năng tiếp cận và chi trả cho sản phẩm ngay từ thời điểm họ nhìn thấy. Giống như việc gặp một cô gái hay anh chàng trông rất là “ Đồ hiệu khắp nơi” thì sẽ tạo cảm giác khó gần hơn người bình thường, nó chỉ dễ dàng khi hai người đều ở cùng một level giống nhau.


Bật mí cho bạn, cái đắt tiền dựa vào gu thẩm mỹ và tất cả mọi người đều khác nhau. Nếu được thì bạn nên làm theo ý hiểu về sự đắt tiền theo tệp khách hàng mình muốn tiếp cận. Còn tốt nhất, ở một level cao hơn, bạn có phong cách riêng và có khả năng tạo ra sự đắt tiền cho riêng mình, từ đó tự thu hút những người có cùng định nghĩa tương đương. 


Giống như VND của tôi chẳng hạn, tôi sẽ dùng giao diện bên ngoài của mình để tự loại bỏ những ai không đủ khả năng tham dự chương trình, đồng thời thu hút những người có khả năng thẩm mỹ tương đương, biết cảm nhận cái đẹp và có khả năng tham gia chương trình của mình.


Đơn giản vì không cùng giá trị niềm tin thì sẽ rất khó làm việc. Đó là bài học mà tôi có được sau một thời gian đứng lớp. Không ai bảo khỉ dạy leo cây cho cá hết, vì đó là hai tầm nhìn, hai thế giới hoàn toàn khác nhau.


Thôi viết vậy đã. Mong là bạn nhận được điều gì đó sau bài viết này.


À mà dạo này tôi viết content dài thật.  Viết bài nào cũng hết cả buổi từ lúc ăn sáng tới lúc ngủ trưa thế này chắc tôi đi làm nhà văn mất. 


Đây là tròn trịa 03 trang Word, nếu bạn chưa biết….


Bạn thấy sao về bài viết này, bình luận phía bên dưới cho tôi biết với nhé. Nếu có điều gì cần hỏi thì cứ inbox riêng, tôi rất sẵn lòng reply.


Để xem tổng hợp về một nghìn thứ mà tôi đang nói, bạn hãy xem thêm tại website của tôi. Nội dung khóa học thôi, chán lắm cơ mà được cái ảnh đẹp ( trai)  😂


Việt Nguyễn.

9 views

Comments


bottom of page