top of page

Không Ai Bán Kim Cương Trên Vỉa Hè

Updated: Dec 3, 2023


Có một câu chuyện nổi tiếng ở trên mạng thế này, nó kể về một người nghệ sĩ violin nào đó chơi nhạc trong tàu địa ngầm và chả ai thèm quan tâm tới anh ta. Sau này người ta mới biết anh ta là một nghệ sĩ nổi tiếng, buổi biểu diễn của anh ấy được bán với giá lên tới vài ngàn đô một ghế trong nhà hát.


Dân mạng bắt đầu rầm rộ.


“ Bạn cần phải ở đúng nơi giá trị của bạn được trân trọng” - Nhìn chung đó là kết luận của mọi người trên mạng từ câu chuyện này. Đa phần mọi người sẽ áp dụng câu này vào cuộc sống cá nhân, ví dụ như có những chị em share câu chuyện này để đá bay mảnh tình bên cạnh hoặc khao khát tìm kiếm tình yêu mới tốt hơn đúng với giá trị mình đang có. Nó cũng na ná với cái câu “ Mây tầng nào gặp gió tầng nấy”.


Tôi nghĩ là ai cũng biết về ý nghĩa phía sau câu nói ấy, thậm chí người nào không biết câu nói trên mạng thì cũng sẽ biết bản thân có mong muốn tìm nơi phù hợp để thuộc về.


Thuộc về nơi gần gũi thiên nhiên

Thuộc về nơi đắt tiền xa hoa…

v…v


Ngạc nhiên hơn, điều này còn áp dụng được vào trong kinh doanh. Nếu như bạn đang tìm kiếm một nơi bán kim cương, bạn sẽ đi tìm đến một nơi sang trọng hay là tìm mua ở các quán trên vỉa hè?


Kim cương có giá trị lớn bởi vì người mua trân trọng vẻ đẹp và sự khan hiếm của nó. Họ sẽ có nhu cầu được trải nghiệm tương đương với sự đắt tiền ấy, từ việc chăm sóc về “ mắt nhìn” khi xem hình ảnh online, tới việc được phục vụ service ở các điểm chạm từ lúc mua cho tới lúc sử dụng sản phẩm


Khách hàng đang mua một “Package” tổng hợp cho sản phẩm kim cương chứ không phải mỗi viên kim cương ấy. Họ mong đợi mọi sự tốt đẹp, sang trọng, đẳng cấp phải được toát ra từ thương hiệu. Họ đang mua chúng để lên một level khác với đám đông, vì đôi khi có những sản phẩm được tạo ra để phân biệt tầng lớp, dù không muốn nhưng điều này vẫn đang diễn ra trong vận hành của xã hội.


Và thử nghĩ xem, liệu có ai sẽ nhắc tới bạn vì bạn đã mua kim cương trên vỉa hè không?

Có chứ, vào lúc họ cần một câu chuyện châm biếm để vui đùa.


Những người tầng lớp cao cấp không thích điều này.




Nếu như bạn vẫn chưa hiểu câu chuyện này liên quan gì tới mình, thì đơn giản thôi, nếu như bạn đang bán sản phẩm đắt tiền và có xu hướng giá đang trung bình cao hoặc là cao hẳn so với thị trường, liệu bạn có thấy sự khác biệt của mình so với những bên bán giá thấp hơn không?


Điều bạn nói trên truyền thông, hình ảnh bạn chụp trên fanpage, cách bạn thể hiện giá trị sản phẩm ra bên ngoài liệu có đúng với giá trị cao cấp của sản phẩm?


Nếu câu trả lời là có thì thật tuyệt vời.


Nếu câu trả lời là không, tôi có thể đưa phỏng đoán nhanh rằng bạn đang làm theo bản năng của một người giỏi chuyên môn thuần túy về sản phẩm, có thể là dịch vụ làm đẹp cao cấp, có thể là kỹ năng bất kỳ nào đó mà bạn có kinh nghiệm lâu năm. Cá nhân bạn giỏi nhưng không tài nào thể hiện cái giỏi của bạn ra bên ngoài để khách hàng công nhận giá trị của bạn để họ tự đồng ý về việc mức giá bạn đưa ra là xứng đáng.


Bán một sản phẩm dịch vụ cao cấp đắt tiền, mọi thứ xung quanh đều cần tạo cảm giác đắt tiền tương đương.


Khi một thứ trông đắt tiền - nó có thể không có giá bán đắt tiền

Nhưng khi một thứ có giá bán đắt tiền - nó buộc phải trông đắt tiền


Hãy nghĩ về bất kỳ các sản phẩm đắt tiền nổi tiếng nào mà bạn có thể nghĩ tới, xem thử xem những gì họ show ra ngoài có mang lại “ cảm giác đắt tiền” trong từng hơi thở của họ hay không. Thậm chí tới cả cái hộp đựng sản phẩm trông cũng sang nữa, giống như chiếc hộp màu cam của LV mà có lẽ chả ai còn xa lạ nữa cả.


Thực tế thì ai cũng muốn bán sản phẩm đắt tiền cả, chỉ là hầu hết không thể tạo ra được sản phẩm lên tầm đó. Và sẽ thật tiếc với những ai đang có sản phẩm ở phân khúc cao như vậy nhưng lại không thể hiện được đúng tầm của nó ra ngoài.


Nó không chỉ là một bức ảnh chụp ở một nơi sang trọng

Nó cũng không phải là các bài đăng sản phẩm chụp lên và nói rằng chúng đắt tiền.

Cũng không phải chỉ thuần tuý là một cái logo hay bộ nhận diện thương hiệu ( những người làm nghề này sẽ ghét tôi lắm … )


Nó là tổng thể, là con người của thương hiệu.


Khách hàng mua trải nghiệm bằng mắt, họ muốn được thấy “ cái đẹp” được hiện hữu ở mọi điểm chạm của họ. Từ sản phẩm tới cách bài trí cửa hàng, cách tạo ra trải nghiệm khách hàng, từ cách truyền thông tới cả những bài viết đơn thuần trên fanpage. Mọi thứ đều cần tạo ra sự hài lòng để họ tự thuyết phục mình rằng “ ở đây giá sản phẩm cao đấy”.


Bạn hãy cứ trải nghiệm online các thương hiệu đắt tiền trên thế giới, bạn sẽ thấy bản thân mình đã tự bị thuyết phục về mức giá ở đây như thế nào, cho dù một cái túi xách có giá lên tới cả trăm triệu.



Tôi thì không rõ về việc tạo cái túi trăm triệu đấy kiểu gì nhưng tôi hiểu về cách để tạo ra hình ảnh tương đương giá trị trăm triệu đấy ở bên ngoài cho thương hiệu.


Nó là cả một hành trình.


Viên kim cương có thể là một viên kim cương, nhưng cũng có thể là một viên đá.

Còn tùy vào nơi mà người ta để nó.


Vậy bạn thì sao, đã có “ viên kim cương” của mình chưa

Và liệu bạn đang đặt nó ở nơi đúng tầm của nó?


Hãy tự trả lời nhé,

Mà nói bé thôi không trộm lại ghé thăm mất..


Việt Nguyễn.


P.S. Bạn thấy sao về bài viết này, hãy cho tôi với nhé. Ngoài ra nếu như bạn muốn nghe thêm về chủ đề nào, hãy cứ inbox cho tôi hoặc bình luận ở bên dưới, tôi sẽ phản hồi lại bạn sớm thôi.


37 views

Comments


bottom of page