top of page

Một Thương Hiệu Đắt Tiền Biết Đi

Updated: Dec 5, 2023



Hà Nội vào thu, nay tôi vẫn ngồi ở quán cafe quen thuộc trên phố Thái Phiên. Ngày cuối tuần mà, lại ở gần Vincom nữa nên việc gặp người ra người vào xách túi đồ thời trang là rất bình thường. Chuyện chả có gì khi tôi bắt gặp một người chị bước vào quán, nhìn qua thần thái dáng diệu của chị cùng với chiếc áo khoác, chiếc váy, đôi giày cao gót, đeo kính râm với tóc búi lên đã thấy người này có lối sống khá sang trọng rồi, đủ để nếu tôi lại gần bắt chuyện thì sẽ cần cẩn thận hơn trong lời ăn tiếng nói của mình.


“ Hay thật” - tôi thầm nghĩ. Việc nhìn thấy một người và đánh giá người đó qua vẻ ngoài vẫn diễn ra một cách tự động, dẫu cho tôi có thích việc này hay không


“ Thật giống một thương hiệu đắt tiền biết đi ” - Tôi vừa ngó lên những đám mây đang trôi và mơn man trong những suy nghĩ trải dài về công việc của mình.


Công nghệ càng phát triển nên bất kì ai cũng có khả năng tạo ra nội dung, đến mấy đứa nhóc hàng xóm quanh nhà tôi chúng nó cũng tí tởn quay tiktok rồi. Cũng giống như ngày xưa thôi, chỉ muốn đủ ăn đủ mặc, còn giờ khi mọi thứ phát triển thì chuyển sang “ ăn no mặc đẹp”.


Nội dung càng nhiều thì càng thừa thãi, và người tiêu thụ nội dung càng càng trở nên khó tính hơn vì mọi thứ cứ lặp đi lặp lại nhan nhản. Giống như kinh doanh, giờ bất kì ai cũng có thể khởi nghiệp trong phút chốc. Tôi nói điều này dựa vào nhìn thấy mối quan hệ xung quanh mình ai cũng đang có cái gì đó của riêng họ, rồi tôi gặp mặt rất nhiều bạn startup đang muốn mở cửa hàng nào đó.. Liên tục và liên tục cho đến lúc tôi quên dần những gương mặt mà tôi đã gặp..


Quá nhiều và chưa thấy có gì nổi bật cả. Mọi người vẫn đang có suy nghĩ về việc sản phẩm tốt sẽ ngon thôi, nhưng thực tế thì ai cũng tốt hết thì ai là người đóng vai kẻ xấu bây giờ? Cuộc chơi nó không đơn giản như vậy chút nào


Trở lại câu chuyện về người chị ở trên, cách chúng ta đánh giá một thương hiệu giống như cái cách chúng ta nhìn thấy một ai đó ở ngoài đời vậy. Luôn có một cảm giác gì đó nảy sinh lên, có thể thấy thích, thấy ghét, thấy hợp hoặc không hợp ngay lập tức. Nó là một kiểu cảm quan mà tôi cũng không biết gọi nó là gì cho phù hợp, là nhạy cảm hay giác quan thứ 6 nhỉ.


Suy nghĩ ngược lại một chút, khách hàng sẽ có một cảm giác nào đó khởi lên ngay lập tức ngay khi nhìn thấy thương hiệu của bạn xuất hiện. Một cảm giác khiến họ thấy thoải mái hoặc không, và chính cái cảm giác này sẽ giúp họ quyết định sẽ ở lại thương hiệu của bạn để xem tiếp hoặc mua hàng hay không.


Họ cần bước vào nơi mà họ có cảm giác quen thuộc, nhất là đối với những khách hàng giàu có thì tạo nên “ không gian quen thuộc” này càng trở nên khó hơn.


Một thương hiệu làm đẹp đắt tiền, một thương hiệu sản phẩm cao cấp.. Liệu có tạo ra cảm giác “ cao cấp” về trải nghiệm khi khách hàng ghé thăm thương hiệu trên online.

Một sản phẩm đắt tiền không có nghĩa cứ đưa lên mạng thì được đánh giá là đắt tiền. Viên kim cương chỉ có giá trị khi nó đứng ở một triển lãm xa hoa, một không gian cầu kỳ và xa xỉ. Việc nó được bán ở trên vỉa hè thì sẽ không ai quan tâm tới nó nữa cả


Tôi thường gọi là “ Đưa giá trị sản phẩm về đúng vị trí mà nó nên đứng”


Bản thân chúng ta luôn chăm sóc vẻ ngoài của bản thân thật tốt.. còn đối với đứa con tinh thần mang tên “ thương hiệu”, đôi khi chúng ta còn không mua sữa rửa mặt cho nó nữa.


Thật kỳ lạ.


Thôi tôi uống nốt cốc cà phê còn đi tập thanh nhạc cái đã.

Mai mốt tôi lại kể tiếp.


Việt.


52 views

1 Comment


hau cao
hau cao
Nov 17, 2023

haha, e đọc xung đúng kiểu trái tym rung rinh từng nhịp thổn thức mong nhớ về đứa con mang tên "thương hiệu" của chính mình.

Like
bottom of page